Được biết, các khoản vay này có kỳ hạn 12 tháng tính từ ngày 29/08/2022. Như vậy, đáng lẽ khoản nợ trên đã phải đáo hạn từ tháng 8/2023. Công ty đã từng thống nhất gia hạn đến 31/05/2024 và tiếp tục được gia hạn đến 31/12/2024.
Theo các báo cáo liên quan, khoản nợ trên vốn là khoản vay từ các thành viên HĐQT của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, không có tài sản đảm bảo, lãi suất vay bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại ngân hàng.
|
Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên phải ra hạn các khoản vay của thành viên HĐQT. Ảnh TL |
Danh sách các thành viên HĐQT đã cho đơn vị này vay bao gồm: ông Hoàng Tuyên, Chủ tịch HĐQT - Chủ tọa (35,6 tỷ đồng); Ông Lê Xuân Tân, Tổng giám đốc - Phó Chủ tịch HĐQT (11,4 tỷ đồng); Ông Nguyễn Văn Thủy - Ủy viên HĐQT kiêm Phó TGĐ (35 tỷ đồng); ông Nguyễn Xuân Đôn - Ủy viên HĐQT (10 tỷ đồng).
Bên cạnh việc giãn nợ với các thành viên HĐQT, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên cũng đang lên phương án chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Theo phương án này, trong năm 2024, TNH sẽ bán 15,2 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông, dự kiến thu về 152 tỷ đồng.
Số tiền thu được sẽ được dùng để trả khoản nợ 92 tỷ đồng cho các thành viên HĐQT. Ngoài ra, 40 tỷ đồng sẽ được dùng để bổ sung vốn lưu động và 20 tỷ đồng còn lại được dùng để trả nợ các tổ chức tín dụng khác.
Trong đầu tháng 1 vừa qua, TNH cũng đã thông báo phân phối 14,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông. Đợt phát hành đã kết thúc và nâng tổng lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường của TNH lên 110,2 triệu cổ phiếu.
Một điểm đáng chú ý đó là TNH vừa báo lãi tăng đột biến trong Quý 3/2023 nhưng bệnh viện này vẫn phải phát hành cổ phiếu để lấy tiền trả nợ.
Cụ thể, trên BCTC Quý 3/2023, TNH ghi nhận doanh thu thuần đạt 186 tỷ đồng,t ăng tới 43% so với cùng kỳ. Hoạt động khám chữa bệnh mang về 70% doanh thu. Lợi nhuận sau thuế mang về đạt 49 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ.
Tính đến hết Quý 3/2023, doanh thu thuần lũy kế của TNH đạt 415 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 111 tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy thì so sánh với mục tiêu kinh doanh năm, TNH mới chỉ suýt soát kế hoạch và thực hiện được 74% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tại cuối Quý 3/2023, tổng tài sản bệnh viện đạt 1.957 tỷ đồng, tăng 560 tỷ đồng so với đầu năm. Ghi nhận khoản tăng chủ yếu đến từ chi phí đầu tư xây dựng Bệnh viện TNH Việt Yên tại bắc Giang.
|
Dự án Bệnh viện TNH Việt Yên tại Bắc Giang. Ảnh: Hoàng Dương |
Trong cơ cấu nguồn vốn của bệnh viện, nợ vay ngắn hạn đang chiếm 169,6 tỷ đồng, nợ vay dài hạn chiếm 171,1 tỷ đồng. Nguồn vốn chủ sở hữu hiện đang chiếm 1.579,1 tỷ đồng. Đáng chú ý, TNH ghi nhận lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tương đối tốt, lên tới 122,6 tỷ đồng. Thế nhưng bệnh viện vẫn phải lên phương án tăng vốn để lấy tiền trả nợ cho các lãnh đạo.
Hoàng Dương